Giới thiệu về Trường Cao đẳng Nông nghiệp Nam Bộ

Ban giám hiệu 2021-02-03 12:28:15 13070

Trường Cao đẳng Nông nghiệp Nam Bộ, thành lập ngày 28/01/2008, theo Quyết định số 479/QĐ-BGDĐT, của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, trên cơ sở nâng cấp Trường Trung học và Dạy nghề – Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nam Bộ. Trường Trung học và Dạy nghề – Nông nghiệp và PTNT Nam Bộ được thành lập theo Quyết định số 2360 NN-TCCB/QĐ, ngày 30/12/1996, của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên cơ sở hợp nhất và tổ chức lại Trường Trung học Thủy lợi 3 (Bộ Thủy lợi trước đây) và Trường Trung học Nông nghiệp Long Định (Bộ Nông nghiệp trước đây).

Trong đó, Trường Trung học Thủy lợi 3 (Bộ Thủy lợi) được thành lập và hoạt động từ ngày 29/06/1976, đặt tại xã Tân Mỹ Chánh, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Trường Trung học Nông nghiệp Long Định có tiền thân là Trường Trung cấp Nông nghiệp, được thành lập và hoạt động từ 1974 tại Chiến khu Lộc Ninh (Quân giải phóng gọi là R). Cũng năm 1976, sau giải phóng, Trường được thành lập lại với tên Trường Trung học Nông nghiệp Long Định, tọa lạc tại xã Long Định, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.

Như vậy, tới ngày sáp nhập, hai Trường đã có trên 20 năm hoạt động của riêng mình. Tính đến ngày mang tên Trường Cao đẳng Nông nghiệp Nam Bộ, Trường đã có trên 31 năm hoạt động, và tới tháng 11/2016, trường đã có hơn 40 năm xây dựng và phát triển. Kể từ ngày thành lập tới nay, quá trình xây dựng và phát triển Nhà trường có thể được chia ra 3 thời kỳ rõ rệt:

– Thời kỳ thứ nhất (1976-1996): Thành lập 2 Trường thành viên: Trung học Nông nghiệp Long Định, và Trung học Thủy lợi 3 (21 năm).

– Thời kỳ thứ hai (1997-2007): Sáp nhập 2 trường thành viên, thành lập Trường Trung học và Dạy nghề – Nông nghiệp và PTNT Nam Bộ (10 năm).

Suốt trên 40 năm qua, các thế hệ cán bộ, giáo viên, công nhân viên (CNV) và học sinh, sinh viên nhà trường đã tạo nên những thành tựu hết sức to lớn trong sự nghiệp đào tạo cán bộ kinh tế – kỹ thuật nông nghiệp cho vùng Nam Bộ. Trong không khí vui mừng của dịp kỷ niệm 40 năm thành lập Trường, chúng ta cùng nhìn lại những thành tựu cơ bản đã đạt được để tự hào và cùng hướng tới tương lai phát triển tốt đẹp của nhà trường.

I. ỔN ĐỊNH VÀ PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ CÁN BỘ ,GIÁO VIÊN , CÔNG NHÂN VIÊN:

     1. Thời kỳ thứ nhất:

Năm 1974, khi được thành lập tại Chiến khu R, “Trường Trung cấp R” tiền thân của Trung học Nông nghiệp Long Định, có các Ban Trồng trọt, Chăn nuôi- Thú y, Thủy lợi, Cơ khí và Ngư nghiệp, nhưng mỗi Ban chỉ có từ 1-2 giáo viên, dạy cho hơn 30 học sinh, vì đây chỉ là bộ khung ban đầu, chuẩn bị sẵn sàng để khi giải phóng miền Nam thì tiếp quản các cơ sở đào tạo của chính quyền cũ. Khi tiếp nhận và thành lập Trường Trung học Nông nghiệp Long Định, chỉ có hơn 30 cán bộ, giáo viên công tác tại Trường. Đây là thời kỳ hết sức khó khăn không chỉ cho cán bộ, giáo viên của Trường mà còn là thời kỳ khó khăn chung của đất nước, như lũ lụt, rầy nâu năm 1978, chiến tranh chống Polpot ở Tây Nam, Trung Quốc ở phía Bắc năm 1979. Sau khi thành lập, số cán bộ, giáo viên được tăng lên không ngừng theo sự phát triển của trường, có lúc tăng lên trên 100 cán bộ, giáo viên, công nhân viên.

Ngày 29 tháng 6 năm 1976, Trường Trung học Thủy lợi 3 được thành lập, cùng ngày thành lập của Trường Trung học Thủy lợi 2 (Quảng Nam). Buổi ban đầu, chỉ có 30 cán bộ, giáo viên được Bộ tổ chức tập huấn tại Trung học Thủy lợi 1 (nay là Cao đẳng Thủy lợi Bắc Bộ) tại Phủ Lý, Hà Nam. Như vậy khi vào tiếp quản Trường Nông – Lâm – Súc của chính quyền cũ và thành lập Trường Trung học Thủy lợi 3 chỉ có hơn mười người, nguồn chủ yếu từ Trung học Thủy lợi 1, Đại học Thủy lợi, Trung học Miền Núi, trình độ Phó tiến sĩ (1 người), kỹ sư, trung cấp, hầu hết chưa đạt chuẩn sư phạm, ngoại ngữ, tin học, thậm chí trung cấp dạy trung cấp (lúc bấy giờ gọi là “cơm chấm cơm”). Sau đó số cán bộ, giáo viên tăng lên và được đào tạo, bồi dưỡng không ngừng theo sự phát triển của Nhà trường. Số lượng cán bộ, giáo viên, công nhân viên lúc sáp nhập với Trường Trung học Nông nghiệp Long Định lên tới gần 70  người.

     2. Thời kỳ thứ hai:

Do thăng trầm của lịch sử và sự biến động của công tác tổ chức, tới khi sáp nhập số cán bộ giáo viên Trường Trung học Nông nghiệp Long Định sang Trường mới chỉ là 30, trong khi đội ngũ của Trường Trung học Thủy lợi 3 vẫn còn nguyên vẹn.

 Nguồn lực con người luôn là một trong những yếu tố quyết định sự phát triển của bất cứ  một cơ quan, tổ chức, một đơn vị hay doanh nghiệp nào. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề, nên ngay từ ngày đầu sáp nhập hai Trường (Nông nghiệp Long Định và Thủy lợi 3), lãnh đạo Nhà trường đã chú trọng tập trung lo giải quyết chu đáo tất cả các khó khăn, vướng mắc của buổi ban đầu. Hai môi trường làm việc nay nhập lại. Những con người với phong cách, lề lối làm việc, điều kiện sống, vị trí công tác khác nhau v.v. nay được tổ chức lại trong một cơ quan mới thống nhất. Với sự quyết tâm cao của toàn Trường, tất cả các khó khăn, trở ngại ban đầu đã dần dần được giải quyết. Sau một thời gian ngắn, tất cả mọi người đã có tiếng nói chung, đã có sự đoàn kết nhất trí cao cùng nhau xây dựng nhà trường, đã có niềm tự  hào chung trong một ngôi trường mới. Kết quả là các nhiệm vụ đào tạo của Trường ngay từ năm 1997, 1998 đã đi vào ổn định, tuyển sinh đạt chỉ tiêu Bộ giao, qui mô đào tạo tăng dần, đội ngũ cán bộ, giáo viên, CNV ổn định và từng bước được nâng cao về chất lượng.

 Sau khi ổn định, Nhà trường đã chú ý cho cán bộ giáo viên đi học tập, nâng cao trình độ và chuẩn hoá đội ngũ. Việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ được Nhà trường chú trọng toàn diện, cả về lý thuyết và thực tiễn; cả sư phạm và ngoại ngữ, tin học. Kết quả là từ  khi thành lập, đội ngũ cán bộ giáo viên, CNV chưa đạt chuẩn, cho tới 2007, tuy số lượng không tăng nhưng hầu hết đã đạt chuẩn ở mọi vị trí. Từ chỗ chưa có một thạc sĩ khi sáp nhập, năm 2007 Trường đã có 5 thạc sĩ, và 8 giáo viên đang theo học cao học. Hầu hết giáo viên đã qua thực tiễn, có bằng sư phạm, có bằng A tiếng Anh và Tin học, có chứng nhận về phương pháp giảng dạy mới lấy học viên làm trung tâm (LCTM); nhiều cán bộ quản lý đã có bằng chính trị cao cấp, nhiều giáo viên có trình độ B, C tiếng Anh và Tin học v.v. Nhiều giáo viên đã đạt giải các kỳ thi giáo viên giỏi cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp Trường.

 Đời sống cán bộ, giáo viên, CNV tương đối ổn định, được cải thiện nhờ áp dụng Nghị định 43, Nhà trường được tăng quyền tự chủ để chủ động đẩy mạnh các hoạt động như liên kết đào tạo hệ tại chức, đào tạo công nhân v.v. Đa số cán bộ , giáo viên, CNV yên tâm công tác.

     3. Thời kỳ thứ ba:

Khi được nâng cấp thành Trường Cao đẳng, yêu cầu về nâng cao trình độ giảng viên đặt ra hết sức cấp bách nhằm đáp ứng nhu cầu giảng dạy, nhu cầu mở ngành mới hệ cao đẳng. Ngoài việc tiếp tục phát huy các thành tựu của Thời kỳ thứ hai, Trường đã có các chủ trương quyết liệt về bồi dưỡng đội ngũ. Việc cử người đi học cao học đã đưa vào Chiến lược phát triển, vào Nghị quyết của Đảng ủy Nhà trường. Tới năm 2016, Trường đã có 106 cán bộ, viên chức, giảng viên, trong đó nữ 53 (50,0%), 1 PGS.TS, 3 tiến sĩ, 39 Thạc sĩ, 18 cán bộ, giảng viên đang NCS, học cao học, trong đó có 2 giảng viên đang NCS và học cao học ở Úc; Nếu tính trong đội ngũ giáo viên, số từ học cao học trờ lên chiếm  74,1 %. Trường đã có 16 lượt cán bộ, giáo viên đi tập huấn, tham quan học tập ở nước ngoài. Đội ngũ giảng dạy đã có 59 người được xếp ngạch giảng viên. Giáo viên tiếp tục tham dự và đạt giải cao tại các Hội giảng của tỉnh Tiền Giang và của toàn quốc. Thầy Võ Phong Vũ Anh Tuấn, khoa Chăn nuôi – Thú y đạt Giải 3 (năm 2012-2013), cô Nguyễn Thị Quyên, khoa Trồng trọt – BVTV, đạt giải Nhì (năm 2014-2015), các kỳ thi Giáo viên dạy giỏi bậc Trung cấp chuyên nghiệp toàn quốc.

Chúng ta có thể tự hào về một đội ngũ cán bộ, giáo viên, CNV đoàn kết, có năng lực, kinh nghiệm và tâm huyết với sự  nghiệp của Trường.

II. NÂNG CẤP KẾT CẤU HẠ TẰNG VÀ CƠ SỞ VẬT CHẤT:

     1. Thời kỳ thứ nhất:

Trường Trung học Nông nghiệp Long Định khi thành lập tiếp quản cơ sở của Trung tâm Khảo cứu giống lúa Long Định của chính quyền cũ, có diện tích 54 ha đất, chỉ có nhà ở của cán bộ, nhân viên, phòng thí nghiệm, hệ thống máy bơm phân, thuốc, nước ra cánh đồng và nhà kho. Học sinh trong “R” về phải ở tạm trong các nhà kho còn trống. Ngay sau khi thành lập, Nhà trường đã nhanh chóng ổn định, từng bước xây dựng nhà ở cho hơn 30 cán bộ, giáo viên, xây dựng 5 dãy nhà ký túc xá cho gần 1000 học sinh nội trú. Kế tiếp, Trường xây dựng khu thể thao, rèn luyện thân thể, sân bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, khu thể dục dụng cụ v.v.

Trường Trung học Thủy lợi 3 khi thành lập, tiếp quản cơ sở đào tạo Nông – Lâm – Súc của chính quyền cũ chỉ có 3 dãy nhà tôn làm giảng đường, chuồng trại nằm trên 4 ha đất hoang hóa, không có nội trú cho cả giáo viên và học sinh. Ngay sau đó Nhà trường đã xây dựng hàng loạt nhà tranh, vách gỗ và vách dừa nước để có chỗ cho cán bộ, giáo viên và gần 500 học sinh ăn, ở nội trú. Đặc biệt, chỉ sau một năm, Nhà trường đã mua và vận chuyển 2000 m ống gang F200 từ Hà Nội vào để lắp đặt hệ thống dẫn nước máy từ Mỹ Tho vào Trường thay thế cho việc dùng nước rạch. Tiếp theo, Nhà trường từng bước cải thiện về nhà ở, tới lúc sáp nhập đã xóa sạch nhà lá, thay bằng nhà kiên cố cho 100% cán bộ, giáo viên và khoảng 750 học sinh nội trú.

     2. Thời kỳ thứ hai:

Khi sáp nhập, Trường toạ lạc tại cơ sở của Trường Trung học Thủy lợi 3, với kết cấu hạ tầng sẵn có trên 4 ha đất, có một nhà giảng đường, một nhà ký túc xá 2 tầng và một số nhà làm việc cấp 4 xây dựng từ trước 1975. Không có trại trường, không có các phòng thí nghiệm, phòng thực hành v.v. Trước qui mô ngày càng phát triển của Trường, kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất hiện có trở nên lạc hậu, chắp vá, và thiếu thốn, không đáp ứng yêu cầu đào tạo.

Trước thực tế nói trên, Trường đã được sự quan tâm đầu tư của Bộ Nông nghiệp và PTNT cho lập và thực hiện Dự án nâng cấp Nhà trường, với tổng số vốn đầu tư gần 20 tỷ đồng. Đây là cơ hội vàng để Nhà trường nâng cấp kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất cho xứng tầm là một trường vùng của Bộ Nông nghiệp và PTNT ở Nam Bộ. Với sự quyết tâm cao của lãnh đạo Nhà trường và Ban quản lý dự án, sau 8 năm thực hiện, dự án hoàn thành, đã làm cho ngôi Trường như thay da đổi thịt, tạo ra một bộ mặt mới, khang trang, sạch, đẹp. Diện tích Trường đã được mở rộng thêm 5 ha làm khu thực nghiệm trong đó có đầu tư hạng mục trại chăn nuôi heo. Trường có thêm 2 nhà ký túc xá 3 tầng, có phòng ở với nhà vệ sinh khép kín, nâng số chỗ ở trong ký túc xá lên trên 600 học sinh. Trường có khu văn phòng và khu thí nghiệm, thực hành đầy đủ, hoàn chỉnh. Hiện tại, có thể nói Trường là một trong những cơ sở đào tạo khang trang, sạch đẹp nhất nhì ở Đồng bằng sông Cửu Long.

 Cùng với việc xây dựng hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng, phòng học, phòng thí nghiệm, trại trường, Nhà trường còn được sự quan tâm của Bộ Nông nghiệp và PTNT đầu tư cho mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học qua vốn Mục tiêu – Chương trình hàng năm. Cho tới nay, qua nguồn vốn hàng năm trị giá từ 500 triệu đến 01 tỷ đồng này, Trường đã mua sắm, trang bị nhiều các thiết bị, đồ dùng dạy học, như máy móc tại một số phòng thí nghiệm chuyên môn, máy móc để thực hành nghề nghiệp chuyên môn, máy tính, laptop, overhead, projector, phục vụ giảng dạy, học tập.

     3. Thời kỳ thứ ba:

Ngoài nguồn vốn Mục tiêu – Chương trình hàng năm, năm 2008, Trường có niềm vui lớn khi được chọn là 1 trong 10 trường, 10 viện nghiên cứu khoa học và 5 tỉnh được Dự án khoa học công nghệ nông nghiệp, vốn vay ADB hỗ trợ đầu tư hơn 1 triệu USD cho việc nâng cấp thiết bị các phòng thí nghiệm, thực hành và thư viện. Dự án đã đầu tư hoàn chỉnh cho 4 phòng thí nghiệm: Vi sinh, hóa sinh, Vật liệu xây dựng và Phân tích chất lượng nước, trang bị thiết bị thực hành cho tất cả các ngành, đặc biệt là ngành chế biến nông sản với 2 nhà xưởng; thiết bị dạy học cố định cho từng phòng học, trang bị mới 4 phòng máy tính chuyên dụng, hệ thống loa đài cho hội trường, máy tính và phần mềm cho thư viện điện tử; cung cấp kinh phí xây dựng 3 chương trình, giáo trình cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp đáp ứng nhu cầu xã hội; trang bị nhiều máy văn phòng cho công tác quản lý; bàn ghế cho khu giảng đường mới v.v. Nhờ đó Trường có điều kiện thuận lợi trong việc hoàn chỉnh, hiện đại hoá cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, thực nghiệm và nghiên cứu khoa học, sẵn sàng cho việc tiếp cận và hội nhập với các trường ở các nước trong khu vực.

 Năm 2011, Trường xây dựng xong đưa vào sử dụng làm giảng đường tòa nhà 3 tầng, 1450 m2 sàn, gồm 7 giảng đường, với tổng kinh phí xây dựng  hơn 5,7 tỷ đồng, được Dự án ADB trang bị toàn bộ bàn ghế, loa đài, thiết bị giảng dạy, trong đó có cả 2 camera phục vụ công tác dự giờ và giám sát giảng dạy, học tập. Năm 2013, Trường đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt Dự án “Tăng cường trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy chuyên ngành Công nghệ sinh học”, xây dựng Phòng nuôi cấy mô, tổng kinh phí gần 2,5 tỷ đồng.

 Thời gian 6 năm (2011-2016) qua, bình quân mỗi năm, Trường được dầu tư vốn cho sửa chữa, xây dựng là 1,4 tỷ đồng, nên đã xây dựng được nhiều công trình quan trọng, như tường bảo vệ phía Bắc và phía Đông khu Trại trường; tường bảo vệ phía Nam; hệ thống xử lý nước thải; xây dựng các gian hàng giới thiệu sản phẩm, văn phòng tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp ở trước cổng; hệ thống phòng cháy chữa cháy; lập đề án bảo vệ môi trường; sửa chữa rất nhiều hạng mục, như hệ thống cấp nước sinh hoạt, sửa chữa chống thấm khu hiệu bộ; nhà căn tin v.v

 Đặc biệt, Trường đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt Quy hoạch tổng mặt bằng xây dựng, và Chủ trương đầu tư dự án: Cải tạo, xây dựng, với tổng mức đầu tư dự án 50 tỷ đồng, sẽ khởi công năm 2018.

III. ĐA DẠNG HÓA CÁC LOẠI HÌNH VÀ KẾT QUẢ ĐÀO TẠO:

 Trước sự phát triển không ngừng của thực tiễn, việc đa dạng hoá các loại hình đào tạo để đáp ứng kịp thời nhu cầu của xã hội đã trở thành xu thế tất yếu trong định hướng phát triển của các nhà trường, đã được Đảng và Nhà nước xác định thành chủ trương trong công tác đào tạo. Thực hiện chủ trương này, nhà trường đã tiếp cận, nắm bắt  nhu cầu của thực tiễn, không ngừng đa dạng hoá các loại hình đào tạo để đáp ứng nhu cầu đào tạo cán bộ kinh tế – kỹ thuật ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn ở Nam Bộ.

     1.Thời kỳ thứ nhất:

Ở Trường Trung học Nông nghiệp Long Định, Từ khóa 1 đến khóa 4 (1976 -1980) đào tạo 3 ngành trung học chuyên nghiệp: Trồng trọt, Chăn nuôi – Thú y và Ngư nghiệp; Sang khóa 5 chỉ còn 2 ngành: Trồng trọt và Chăn nuôi – Thú y. Từ khóa 6 mở thêm ngành Quản lý kinh tế, và duy trì cho tới khi sáp nhập Trường chỉ đào tạo có 3 ngành (Trồng trọt, Chăn nuôi – Thú y và Quản lý kinh tế). Trong những năm 1981-1984, Trường còn làm nhiệm vụ quốc tế, đào tạo một số khóa kỹ thuật nông nghiệp  cho nước bạn Cam-Pu-Chia.

 Ở Trường Trung học Thủy lợi 3, khóa 1 đào tạo 2 ngành Trung học chuyên nghiệp: Thủy nông và Thiết kế – Thi công. Sang khóa 2 và 3 tăng lên thành 4 ngành: Thủy nông, Thiết kế – Thi công, Trắc địa và Địa chất. Từ khóa 4 tới khóa 6, còn 3 ngành (không đào tạo ngành Địa chất); Từ khóa 7 tới khóa 11, ổn định 3 ngành: Thiết kế – Thi công, Thủy nông và Kế toán-  Thống kê. Từ khóa 12 cho tới khóa 21 (khi sáp nhập 2 trường), chỉ còn ổn định 2 ngành: Thủy lợi tổng hợp và Kế toán – Thống kê. Giai đoạn từ 1982-1988, Trường Trung học Thủy lợi 3 đã đưa 48 lượt cán bộ, giáo viên sang giúp nước bạn Cam-Pu-Chia đào tạo xong 4 khóa sơ cấp và 2 khóa trung cấp Thủy lợi với số lượng 249 học sinh tốt nghiệp ra trường. Ngoài ra, giáo viên của Trường còn bồi dưỡng cho nước bạn một đội ngũ giáo viên, đủ sức tự đảm nhiệm giảng dạy các khóa kỹ thuật thủy lợi tiếp theo. Bốn thầy giáo của Trường: Nguyễn Văn Cổn (lớn), Nguyễn Văn Hoạch, Trần Chí Thành và Đỗ Ngọc Minh đã được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Cam – Pu – Chia (Kong – Som – Ol) tặng bằng khen. Trường liên kết với Trường Đại học Thủy lợi Hà Nội hoàn thành việc đào tạo 3 khóa Đại học tại chức, với 97 kỹ sư tốt nghiệp ra trường. Trường bắt đầu liên kết với các tỉnh Nam Bộ đào tạo được hơn 500 học sinh tốt nghiệp ra trường các bậc trung cấp, công nhân.

     2. Thời kỳ thứ hai:

Khi sáp nhập, Trường tuyển 4 ngành trung cấp chuyên nghiệp: Kế toán, Chăn nuôi, Trồng trọt, Thủy lợi, giai đoạn này Trường đào tạo 9 ngành Trung cấp chuyên nghiệp (thêm 5 ngành: Chế biến nông sản, Khuyến nông, Trắc địa, Quản lý đất đai, và Tài chính ngân sách xã). Từ chỗ chỉ đào tạo công nhân nghề chăn nuôi, quản lý thủy nông, đã đào tạo thêm nhiều nghề chính qui mới, như Giám đốc điều hành HTX nông nghiệp, nghề Trồng trọt, Chế biến thủy sản v.v. Việc đào tạo các nghề thường xuyên còn được chú ý phát triển đa dạng hơn nhiều lần. Nhiều hình thức đã được Nhà trường triển khai đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế kỹ thuật ở Nam Bộ, như tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, thi nâng bậc thợ công nhân thủy nông, mở các lớp kỹ năng xoá đói, giảm nghèo, mở các lớp dạy nghề dưới 3 tháng cho lao động nông thôn, nông dân v.v. Về hình thức đào tạo, từ chỗ chỉ có 1 hình thức đào tạo chính qui tại trường, Trường đã mở thêm hình thức đào tạo vừa làm vừa học (Tại chức); trước chỉ đào tạo tại Trường, nay đi liên kết đào tạo tại các địa phương. 10 năm sau khi sáp nhập đã liên kết với gần 50 đơn vị ngoài trường ở khu vực Nam Bộ để tổ chức các khoá đào tạo từ ngắn hạn đến dài hạn.

     3. Thời kỳ thứ ba:

Khi ở bậc cao đẳng, ngoài các ngành Trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, sơ cấp nghề, dạy nghề dưới 3 tháng theo truyền thống, Trường đang đào tạo 6 ngành bậc cao đẳng hệ chính quy, 2 nghề bậc cao đẳng nghề. Ngoài các loại hình đào tạo, với 50 đơn vị liên kết đã có, trường tiếp tục đa dạng hóa các loại hình đào tạo, liên kết với nhiều trường đại học mở liên thông từ trung cấp lên cao đẳng, từ cao đẳng lên đại học. Các cơ sở giáo dục, đào tạo nhà trường liên kết trong giai đoạn này là Trường Đại học Nông – Lâm Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Thủy Lợi Hà Nội, Trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang, Trường Cao đẳng Cơ điện và Nông nghiệp Nam Bộ, Trường cao đẳng Công nghje65, kinh tế và Thủy lợi miền Trung, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường; Trung tâm Dạy nghề Khai Trí (An Giang); Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Tân Hồng (Đồng Tháp) v.v. Ngoài việc liên kết với các đơn vị đào tạo, Trường có thêm hình thức liên kết với các doanh nghiệp, như Trường đã Ký kết văn bản hợp tác với Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang (Tập đoàn Hạt Ngọc Trời) trong đó có nhiều nội dung liên quan đến đào tạo và tiếp nhận khi HSSV ra trường. Ngoài các hình thức dạy nghề truyền thống, trong giai đoạn này Trường có bổ sung thêm dạy nghề công nghệ cao và dạy nghề thí điểm các mô hình mới. Trường đã dạy cho 4 khóa Vi nhân giống các loại hoa, sử dụng công nghệ cao là nuôi cấy mô trong nhân giống hoa Phong lan và các loại hoa khác cho 265 nghệ nhân trồng hoa ở 2 tỉnh Tiền Giang và Bến Tre; Trường cũng đã dạy thí điểm 2 lớp nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn về trồng cây Thanh long và nuôi bò tại huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) theo đơn đặt hàng của Viện Khoa học Dạy nghề, Tổng cục Dạy nghề; mở một lớp kỹ thuật nuôi gà an toàn sinh học, cho 30 người tại Châu Thành (Bến Tre) theo mô hình thí điểm thu Thẻ học nghề do Bộ Nông nghiệp và PTNT đề xuất.

Kết quả đào tạo:

     1. Thời kỳ thứ nhất:

Đào tạo được  5.818 học sinh trung học chuyên nghiệp hệ chính qui (Trường Trung học Nông nghiệp Long Định, đào tạo được 3.019 học sinh; Trường Trung học Thủy lợi 3 đào tạo được 2.799 học sinh), của 10 ngành (Trồng trọt, Chăn nuôi-Thú y, Quản lý kinh tế, (Hoặc Kinh doanh nông nghiệp, Kinh tế), Ngư nghiệp, Địa chất, Trắc địa, Thủy nông, Thiết kế – Thi công CTTL, Kế toán, Thủy lợi tổng hợp (Không thống kê được các loại hình khác).

     2. Thời kỳ thứ hai:

Trường Trung học và Dạy nghề – Nông nghiệp và PTNT Nam Bộ, trong 10 năm, đào tạo được 11.934 học sinh các loại hình, trong đó có 3.698 học sinh hệ chính qui.

     3. Thời kỳ thứ ba:

Về quy mô đào tạo, tính bình quân 5 năm (2012-2016), từ khi tổng kết 35 năm thành lập trường đến nay, mỗi năm Nhà trường có quy mô 1.506 học sinh-sinh viên bậc cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp của các hệ chính quy, liên thông, vừa làm vừa học theo học, chưa tính học viên học nghề ngắn hạn, hoặc sinh viên các trường khác liên kết với Nhà trường học tại Trường..

Trường Cao đẳng Nông nghiệp Nam Bộ, qua 9 năm đã đào tạo tốt nghiệp được 7.962 HS-SV các loại (Trong đó, 1.337 sinh viên hệ cao đẳng – Cao đẳng hàn lâm và cao đẳng nghề- , 4.245  học sinh hệ Trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề; 2.380 học sinh các loại hình khác)

 Như vậy, cả 3 thời kỳ, sau 40 năm, chưa thống kê được các loại hình ngoài chính quy của 2 Trường khi chưa sáp nhập, và chưa tính đến số HS-SV do các Trường khác đào tạo tạo Trường, Trường đã đào tạo tốt nghiệp được 25.714 học sinh, sinh viên các loại, trong đó có 14.819 hệ chính quy.

IV. CẢI TIẾN PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY:

 Cải tiến phương pháp giảng dạy có thể được coi là một thành tựu quan trọng của đội ngũ giáo viên Nhà trường 40 năm qua. Trước đây, phần lớn giáo viên chỉ giảng dạy theo các phương pháp truyền thống, mặc dù đã được chú ý nâng cao hiệu quả bằng nhiều giải pháp, như tổ chức dự giờ, góp ý, thi giáo án, chú trọng áp dụng đồ dùng dạy học v.v. nhưng kết quả vẫn còn hạn chế. Cùng với sự phát triển của giáo dục, trong thời kỳ thông tin bùng nổ, người Thầy phải tìm cách thay đổi phương thức truyền đạt kiến thức cho học sinh của mình, phương pháp dạy nào mang lại hiệu quả cao, phù hợp với thời kỳ hội nhập được đặt ra cho tất cả các trường học. Phải giới thiệu cho học sinh cách học, cách tìm ra kiến thức nhiều hơn kiểu cung cấp kiến thức trực tiếp cổ điển. Nắm bắt được vai trò quan trọng của vấn đề phương pháp dạy học, ngay từ thời gian đầu sau khi sáp nhập Ban Giám hiệu đã chú ý triển khai áp dụng các phương pháp dạy học mới cho đội ngũ giáo viên. 3 lớp bồi dưỡng về phương pháp giảng dạy lấy học viên làm trung tâm (LCTM) đã được mở cho 60 giáo viên tại trường. Nhà trường đã triển khai 1 đề tài nghiên cứu về hiệu quả khi áp dụng LCTM. Nhà trường đã yêu cầu bắt buộc phải áp dụng LCTM với các danh hiệu thi đua của giáo viên như một tiêu chuẩn cụ thể phải vượt qua. Để tăng cường hơn nữa việc áp dụng LCTM, từ học kỳ 2 năm 2007-2008, Nhà trường đã thể chế hoá qua việc buộc giáo viên phải sử dụng 20% số tiết đứng lớp để nghiên cứu áp dụng LCTM, hướng dẫn học sinh tự học, tự nghiên cứu, học sinh trở thành vai trò trung tâm, còn Thầy chỉ hướng dẫn. Chính các giải pháp này đã giúp giáo viên sử dụng tốt hơn các phương pháp dạy học hiện đại, làm cho bài giảng sinh động, chất lượng hơn, và tất yếu hiệu quả đào tạo đã tốt hơn, góp phần không nhỏ vào thành quả đào tạo chung của Trường.

Từ năm 2008, là Trường cao đẳng, vai trò nghiên cứu khoa học của giảng viên trở thành một nhiệm vụ quan trọng, giúp giảng viên qua báo cáo tại các seminar, các hội thảo khoa học, cải tiến phương pháp giảng dạy. 16 lượt cán bộ, giảng viên được cử đi tham quan, học tập, dự tập huấn ở nước ngoài đã mang về Trường nhiều phương pháp giảng dạy mới, hiệu quả cao. Kết quả là nhiều giáo viên của Trường đạt giải cao tại các hội giảng cấp tỉnh, cấp toàn quốc, do ngành Lao động – Thương binh – Xã hội và Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

 Trong thời kỳ này, Nhà trường cũng thử nghiệm cải tiến phương pháp dạy và học Tiếng Anh, bằng việc hỗ trợ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mời được 4 sinh viên tình nguyện người Anh, Úc, Newzealand đến ở tại trường, mỗi kỳ 6 tháng và có 2 tình nguyện viên, ở tại Trường, vừa hỗ trợ giáo viên trên lớp, vừa tạo môi trường giao tiếp sử dụng tiếng Anh thường xuyên, bước đầu mang lại hiệu quả rõ rệt.

V. THỰC NGHIỆM, NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VÀ HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT:

 Về thủy sản, ngay từ năm 1976, Trường Trung học Nông nghiệp Long Định đã cho sinh sản nhân tạo thành công cá mè hoa, cá mè trắng, trắm cỏ, là nơi cung cấp cá bột, cá giống duy nhất cho các tỉnh vùng ĐBSCL. Năm 1977, đây cũng là nơi cho sinh sản nhân tạo cá tra đầu tiên ở Việt Nam, bắt đầu từ giai đoạn nuôi vỗ đến cá giống. Năm 1978, Trường cũng là nơi đầu tiên ở ĐBSCL xây dựng và vận hành thành công hệ thống bể đẻ nhân tạo cho các loài cá đẻ trứng trôi nổi. Từ năm 1976-1997 cung cấp cá bột, hương, giống cho khu vực ĐBSCL.

 Về Chăn nuôi, từ những năm 1980, Trường Trung học Nông nghiệp Long Định là thành viên Chương trình nghiên cứu và bảo tồn giống heo Thuộc Nhiêu (Châu Thành, Tiền Giang) của Viện Chăn nuôi quốc gia.

 Về trồng trọt, từ năm 1982, Tổ lai tạo giống Trường Trung học Nông nghiệp Long Định được thành lập (liên kết nghiên cứu khoa học giữa Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam với Nhà trường). Tổ do Giáo sư, anh hùng lao động Phan Hồng Diêu chủ trì và các nghiên cứu viên: Nguyễn Thị Ngọc Xưa, Nguyễn Thị Sương, Huỳnh Văn Cẩn. Nhiệm vụ của Tổ là sưu tập, bảo tồn các nguồn giống lúa năng suất cao, có gen chống chịu sâu bệnh, thích nghi tốt với điều kiện khó khăn của sản xuất, chịu mặn, chịu phèn và khô hạn, như giống lúa Nàng Hương Chợ Đào, Nàng Chá, Mộc Tuyền, Trắng Tép, A Nao, Tám Thơm v.v. Kết quả, mỗi năm, Tổ lai tạo khoảng 40-50 tổ hợp lai, trồng thử nghiệm 1500-2000 dòng lúa đã lai tạo, thực hiện các thí nghiệm như so sánh năng suất các giống lúa mới, thử nghiệm tính chống chịu mặn, phèn và khô hạn tại các địa phương trong khu vực. Tổ đã tạo ra được nhiều dòng, giống lúa phục vụ sản xuất tại các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Long An v.v. các giống lúa như: LĐ 844, LĐ 439, LĐ 1261…, đã góp phần tăng sản lượng lúa cho khu vực, đặc biệt là những vùng nhiễm phèn và khô hạn.

 Tại Trường Trung học Thủy lợi 3, thời gian đầu khi mới thành lập, học sinh sau khi kết thúc phần học lý thuyết, được cử đi thực tập tại các công trường, cơ quan chuyên môn, tham gia trực tiếp vào phục vụ sản xuất trên khắp địa bàn các tỉnh Nam Bộ. Giai đoạn sau, công tác này được cải tiến, Nhà trường ký hợp đồng trực tiếp với các công ty, đơn vị sản xuất cho thầy và trò trực tiếp thi công thực tập tay nghề công nhân, thực tập kỹ thuật viên thi công trên công trường. Cải tiến này đã mang lại hiệu quả rõ rệt, không chỉ về tay nghề chuyên môn được nâng lên mà còn mang lại giá trị kinh tế, thầy trò và nhà trường có thêm tiền chi để nâng cao chất lượng cho công tác thực tập. Đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường đã trực tiếp tham gia công tác tư vấn cho các tỉnh, thực hiện khảo sát, quy hoạch thiết kế hàng trăm công trình thủy lợi lớn nhỏ, trên địa bàn từ Ninh Thuận tới Cà Mau, Kiên Giang.

 Giai đoạn sáp nhập hai Trường, các hoạt động thực nghiệm khoa học, phục vụ sản xuất vẫn được duy trì và mang lại hiệu quả tốt. Riêng khoa Trồng trọt – Bảo vệ thực vật trong 2 năm 2006-2007 đã tổ chức được 120 công trình thử nghiệm thuốc qua hợp đồng với các cơ quan chức năng và công ty kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật. Khoa Thủy lợi vẫn tổ chức duy trì đều đặn hàng năm đưa học sinh thực tập tay nghề công nhân qua các bản hợp đồng với cơ quan sản xuất. Cán bộ, giáo viên hầu hết các ngành vẫn tiếp tục tham gia công tác tư vấn trên các địa bàn sản xuất để nâng cao trình độ thực tiễn và tăng thu nhập.

Giai đoạn được nâng cấp lên thành trường cao đẳng, công tác nghiên cứu khoa học (NCKH) phục vụ sản xuất đã được Nhà trường đẩy lên một bước cao hơn, tiến hành thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất. Trường đã thực hiện nghiên cứu thành công 10 đề tài khoa học cấp trường, 8 đề tài NCKH cơ sở cấp bộ Nông nghiệp và PTNT. Ví dụ, đề tài: “Nghiên cứu nâng cấp cống vùng triều vừa và nhỏ để thích ứng với nước biển dâng do biến đổi khí hậu ở Tiền Giang và Bến Tre”; đề tài: “Tính toán nhu cầu dùng nước và lập quy trình vận hành hệ thống công trình thủy lợi huyện Tân Phú Đông – Tiền Giang phục vụ mục tiêu thích ứng với biến đổi khí hậu”. Năm 2015-2016, Trường đã được tỉnh Tiền Giang giao thực hiện đề tài NCKH cấp tỉnh: “Nghiên cứu cơ sở khoa học để đề xuất quy mô trạm bơm điện vừa và nhỏ ở các vùng sản xuất nông nghiệp của tỉnh Tiền Giang”, với tổng kinh phí hơn 590 triệu đồng.

VI. ĐỜI SỐNG CÁN BỘ ,GIÁO VIÊN, CNV KHÔNG NGỪNG ĐƯỢC CẢI THIỆN VÀ NÂNG LÊN:

     1. Thời kỳ thứ nhất:

Tại Trường Trung học Nông nghiệp Long Định, lúc thành lập được tiếp quản cơ sở của chế độ cũ có nhà ở cho cán bộ, giáo viên. Tuy nhiên, đời sống giai đoạn này cực kỳ khó khăn như tình hình chung của đất nước. Tại Trường Trung học Thủy lợi 3 khó khăn còn nhiều hơn, cơ sở đào tạo cũ không có nội trú, nên không thể bố trí chỗ ăn, ở tại Trường, nước sinh hoạt là nước sông, rạch tại chỗ.

 Nhìn chung, cả 2 trường ở Thời kỳ thứ nhất, đời sống cán bộ, giáo viên cực kỳ khó khăn về vật chất, trong bữa ăn, rau nhiều hơn cá thịt, thu nhập thấp, nhưng mọi người vẫn sống hòa đồng, chứa chan tình nghĩa, ổn định công tác, rất ít người chuyển công tác, tất cả đều hướng tới mục tiêu ổn định, cống hiến để xây dựng và phát triển nhà trường, phát triển đất nước.

     2. Thời kỳ thứ hai:

Để cho đội ngũ CB, GV, CNV an cư, lạc nghiệp, đảm bảo ổn định và cải thiện đời sống, yên tâm công tác là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng đối với Nhà trường. Tất cả các yếu tố tiềm năng có thể khai thác đã được Đảng ủy, Ban Giám hiệu, Công đoàn, các đơn vị bàn bạc đưa vào chương trình hoạt động để tăng quĩ phúc lợi. Ngoài các hoạt động đơn giản như giữ  xe, cho thuê canteen v.v. thì việc mở các lớp tập huấn, dạy nghề ngắn hạn, và đặc biệt là các lớp hệ vừa làm vừa học (tại chức) đã mở ra một hướng làm dịch vụ đúng đắn, hợp lý, hợp pháp, vừa phát huy được khả năng chuyên môn của đội ngũ CB, GV, đào tạo nguồn lực cán bộ đáp ứng được nhu cầu của xã hội theo đúng chức năng nhiệm vụ, lại vừa tạo việc làm và thu nhập cho đội ngũ giáo viên, vừa làm tăng thu nhập của toàn trường. Đời sống của đội ngũ CB-GV-CNV nhìn chung ổn định và từng bước được cải thiện. Số thu nhập ngoài lương đã đạt từ 80-100% so với lương hàng tháng. Hàng năm, vào dịp Hè, trường đều tổ chức cho cán bộ, viên chức đi nghỉ mát tại Vũng Tàu, Đà Lạt, Nha Trang…Các con số này là một thành tựu không nhỏ thể hiện sự cố gắng, nỗ lực rất cao của toàn trường 10 năm của giai đoạn 2.

     3. Thời kỳ thứ 3:

Tiếp tục phát huy các thế mạnh và thành tựu của giai đoạn thứ 2, Trường tiếp tục mở rộng, đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, khai thác các năng lực theo ngành nghề để tổ chức các hoạt động nhằm tăng thu nhập cho CBGV-VC. Cụ thể, Trường đã thành lập Trung tâm Tư vấn Nông nghiệp và PTNT do Bộ ra quyết định thành lập để tạo địa bàn cho các hoạt động chuyên môn của cán bộ, giáo viên; lần đầu tiên Trường được Bộ trao thực hiện 2 đề tài nghiên cứu khoa học cơ sở cấp Bộ, trị giá 500 triệu đồng và chủ nhiệm xây dựng 8 chương trình đào tạo các loại trị giá khoảng 2,8 tỷ đồng, gồm 1 chương trình cao đẳng (DV Thú y), 2 chương trình Trung cấp chuyên nghiệp (Thủy lợi tổng hợp và Trồng trọt), 6 chương trình dạy nghề sơ cấp: Kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh cho lợn; Nhân giống cây ăn quả, Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM); Trồng cây có múi; trồng cây Thanh long; trồng cây Ca cao xen dừa; Tiếp tục liên kết mở nhiều lớp bồi dưỡng ngắn hạn với các địa phương và các doanh nghiệp. Các đơn vị hoạt động chuyên môn kết hợp dịch vụ đã có nhiều đóng góp về tài chính cho nhà trường. Trung tâm Ngoại ngữ – Tin học sau 4 năm hoạt động (2012-2015) đã trích nộp cho Trường hơn 360 triệu đồng; Trại thực nghiệm mở được 13 lớp chuyển giao kỹ thuật gieo tinh nhân tạo cho bò, trích nộp cho Trường gần 250 triệu đồng; Trung tâm Tư vấn Nông nghiệp và PTNT của Trường hoạt động 5 năm qua (2012-2016) đã trích nộp cho Trường 461.457.740, đồng Nhà trường đã thực hành tiết kiệm chi tiêu, và đặc biệt triển khai thực hiện cơ chế khoán cho nhiều lĩnh vực hoạt động, góp phần tăng thu nhập cải thiện đời sống cán bộ, viên chức từng bước rõ rệt. Thu nhập bình quân của cán bộ viên chức tăng đều và liên tục từ 4.816.000, đ/tháng/người của năm 2011, lên 9.639.000, đ/tháng/người của năm 2015. .Nhà trường vẫn duy trì đều đặn tổ chức cho cán bộ, viên chức đi nghỉ mát tại các điểm du lịch trong nước, ở các điểm xa hơn Thời kỳ thứ 2 (Huế, Đà Nẵng, Phú Quốc…). Đặc biệt thời kỳ này, Trường còn tổ chức cho số đông đi tham quan, du lịch ở nước ngoài, cụ thể: Năm 2012 có 20 người đi Thái Lan; Năm 2013 có 19 người đi Malaysia; Năm 2014 có 29 người đi Campuchia.

 Đất nước đang phát triển kinh tế theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong giai đoạn chuyển tiếp, cơ hội và cả thách thức đã đặt ra với các trường học. Yếu tố cạnh tranh, kể cả cạnh tranh không lành mạnh trong đào tạo đã xuất hiện. Nhà trường đã và đang từng bước đẩy mạnh cải tiến các hoạt động, nâng cao chất lượng đào tạo, cố gắng thực hiện dân chủ rộng rãi. Qui chế nội bộ của Trường được cán bộ, giáo viên, CNV nhà trường góp ý, chỉnh sửa, cập nhật tại Hội nghị viên chức hàng năm. Qui chế dân chủ ở cơ sở được xây dựng và thực hiện nghiêm túc.

 Tóm lại, chúng ta hoàn toàn có quyền tự  hào khi nhìn lại chặng đường 40 năm qua với những gì chúng ta đã làm được. Thành tựu mà bao thế hệ cán bộ, giáo viên, CNV nhà trường đạt được là rất to lớn và có ý nghĩa hết sức quí báu, tạo tiền đề cho sự phát triển của nhà trường. Tương lai phát triển của Trường sẽ còn gặp không ít khó khăn, thử thách nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội mới tốt đẹp. Bằng kinh nghiệm và bản lĩnh của 40 năm xây dựng, với sự đoàn kết, đồng lòng của tập thể nhà trường, với sự nỗ lực cố gắng vươn lên tin rằng, chúng ta nhất định sẽ vượt qua mọi thách thức để phát triển bền vững./.


Bài viết liên quan